Với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều, xác định được ngày rụng trứng và ngày thụ thai đã là một “thử thách” rất khó. Vì vậy mà việc tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều cũng đòi hỏi phải có những biện pháp riêng, mới cho ra kết quả tốt nhất.
Việc có thai đối với các chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều là một niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến, vì quá trình này diễn ra không hề thuận lợi như các chị em có một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Do đó, tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều để đón “bé con” chào đời đúng thời điểm luôn được các chị em quan tâm hàng đầu.
1. Ngày dự sinh được tính như thế nào?
Thời xưa, khi y học chưa phát triển, người ta đã biết cách tính ngày dự sinh bằng cách đếm lùi đến hết 9 tháng 10 ngày. Phương pháp “kinh điển” này đến nay vẫn còn được áp dụng, kết hợp với một số phương pháp hiện đại khác giúp chị em có cơ hội tìm ra ngày dự sinh chính xác hơn.
Thông thường, một người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn có thể tự tính ngày dự sinh cho mình bằng 2 cách cực đơn giản dưới đây:
1.1 Dựa vào chu kỳ kinh nguyệt
Cách tính này được áp dụng phổ biến cho các trường hợp có kỳ kinh bình thường từ 28 – 32 ngày. Điều kiện cần và đủ là chị em phải nhớ được ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng thì mới cho kết quả chính xác.
Thời gian mang thai của một phụ nữ được diễn ra trong 9 tháng 10 ngày. Con số này tương đương với 280 ngày (40 tuần).
Ngày kinh đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng được tính là ngày đầu tiên mang thai. Vì khi quá trình hành kinh xuất hiện thì một chu kỳ nuôi dưỡng và phát triển trứng mới lại diễn ra đồng thời. Tuổi thai sẽ được tính từ lúc trứng vẫn còn là một nang noãn, chứ không phải tính theo ngày thụ thai (ngày quan hệ, trứng và tinh trùng gặp nhau).
Như vậy, cách tính ngày dự sinh theo chu kỳ kinh nguyệt khá đơn giản. Chị em chỉ cần nhớ ngày kinh đầu của chu kỳ cuối, sau đó cộng thêm 280 ngày hoặc 9 tháng 10 ngày là sẽ ra ngày dự sinh của mình.
1.2 Dựa vào quy tắc Nagele
Đây là quy tắc tính ngày dự sinh nhanh chóng và khá chuẩn xác. Nó cũng cần lấy ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối làm mốc. Tuy nhiên, quy tắc này chỉ nên áp dụng với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn (khoảng 28 ngày). Cách tính ngày dự sinh dựa vào quy tắc Nagele như sau:
- Bước 1: Nhớ mốc ngày đầu của kỳ kinh cuối. Ví dụ: Ngày đầu chu kỳ cuối là 10/01/2020
- Bước 2: Trừ đi 3 tháng:10/01/2020 => 10/10/2019
- Bước 3: Cộng thêm 7 ngày:10/10/2019 => 17/10/2019
- Bước 4: Cộng thêm 1 năm: 17/10/2019 => 17/10/2020 (Ngày dự sinh)
Tóm lại, chị em có thể lưu lại công thức tính ngày dự sinh theo quy tắc Nagele đó là:
NDS = LMP – 3 tháng + 7 ngày + 1 năm (Trong đó, NDS là ngày dự sinh, LMP là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối).
Ở trên là hai cách tính ngày dự sinh “kinh điển” không cần sử dụng đến máy móc. Nếu có chu kỳ kinh nguyệt không đều, chị em có thể áp dụng cách tính ngày dự sinh ở phần sau đây.
2. Bật mí cách tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều
Việc tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều cũng khá đơn giản, chị em có thể kết hợp áp dụng 2 phương pháp sau đây để tìm ra ngày dự sinh chính xác nhé!
2.1 Tính lại ngày LMP
LMP là ngày kinh đầu của chu kỳ cuối. Với người có chu kỳ kinh nguyệt không đều, việc áp dụng ngày LMP gốc vào tính ngày dự sinh theo vòng kinh hoặc quy tắc Nagele sẽ cho kết quả sai số rất lớn, đặt biệt với những người kinh thưa 2 – 3 tháng mới có một lần. Vì vậy, khi có kinh nguyệt không đều, đặc biệt là chu kỳ dài, chị em cần tính lại ngày LMP sao cho chuẩn nhất, rồi sau đó mới áp dụng 2 cách tính phổ biến như đã đề cập ở trên.
Một người có chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng là khoảng 28 – 32 ngày. Trong trường hợp này, nửa sau chu kỳ kinh nguyệt của chị em luôn kéo dài 14 ngày. Đây là quãng thời gian từ ngày rụng đến ngày có kinh tiếp theo. Nếu kỳ kinh của chị em dài 35 ngày, thì thời điểm rụng trứng sẽ rơi vào ngày 21. Từ thông tin ngày rụng trứng, chị em sẽ có dữ liệu để xác định lại ngày LMP chuẩn và lấy đó làm cơ sở để tìm ra ngày dự sinh.
Ví dụ: Chu kỳ kinh nguyệt của chị em là 35 ngày. Ngày LMP (gốc) là 01/02/2020. Chị em có thể tính ngày LMP mới theo cách sau:
- Bước 1: Thêm 21 ngày vào ngày LMP gốc:01/02/2020 => 22/02/2020
- Bước 2: Trừ đi 14 ngày để tìm ngày LMP mới:22/02/2020 => 08/02/2020
Khi đã có ngày LMP mới, chị em có thể sử dụng cách tính ngày dự sinh theo phương pháp chu kỳ kinh nguyệt và quy tắc Nagele như bình thường đã đề cập ở phần trên.
2.2 Dựa vào siêu âm
Hiện nay, Y học hiện đại đã phát triển vượt bậc với máy móc, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Vì vậy, phương pháp tính ngày dự sinh bằng chẩn đoán hình ảnh được áp dụng rất phổ biến.
Với những người có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, các bác sĩ siêu âm sẽ vẫn tính ngày dự sinh theo chu kỳ kinh nguyệt cuối. Tuy nhiên, nếu thai nhi phát triển chậm hơn hoặc nhanh hơn so với tuổi thai (tính theo chu kỳ kinh nguyệt), thì ngày dự sinh có thể thay đổi theo chỉ số siêu âm.Cách tính ngày dự sinh của phương pháp siêu âm chính là dựa vào các chỉ số trung bình về trọng lượng, chiều dài xương đùi, đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi tương ứng với từng giai đoạn phát triển để đưa ra ngày dự kiến chào đời chính xác.
Chính vì thế mà phương pháp này được sử dụng để tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều hoặc không nhớ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối.
Kinh nghiệm của nhiều chị em chia sẻ về cách tính ngày dự sinh khá chính xác đối với những ai có chu kỳ kinh nguyệt không đều đó là: Chị em hãy lấy ngày dự sinh khi đi siêu âm ở tuần thứ 12 (hoặc từ tuần thứ 8 – 11) làm mốc. Đây là thời điểm thai nhi vẫn còn nhỏ và có xu hướng phát triển với tốc độ đều đặn nên máy móc sẽ tính toán và đưa ra thông tin ngày dự sinh tương đối chính xác. Khi qua giai đoạn này, tốc độ phát triển của thai nhi sẽ thay đổi liên tục nếu dựa vào kết quả siêu âm thời điểm này để tính ngày dự sinh sẽ sai số rất nhiều.
3. Một số lưu ý khi tính ngày dự sinh cho các bà bầu
Việc tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều sẽ giúp chị em chủ động cho quá trình sinh đẻ của mình. Tuy nhiên, chị em cũng cần lưu ý rằng, ngày dự sinh dù tính theo phương pháp nào thì kết quả cũng chỉ là tương đối. Theo thống kê, chỉ có 5% trường hợp bà bầu đẻ đúng ngày dự sinh trước đó. Vì vậy, chị em cần chuẩn bị tâm lý em bé sẽ chào đời sớm hoặc muộn hơn so với ngày dự sinh.
Thông thường, bà bầu có một thai kỳ khỏe mạnh không gặp bất cứ vấn đề nào thì sẽ có khả năng trở dạ từ 38 – 42 tuần. Như vậy, nếu chị em có sinh trước hoặc sau 40 tuần như dự sinh thì vẫn là điều bình thường. Trong khoảng thời gian từ 38 – 42 tuần, nếu thấy các dấu hiệu sắp sinh sau, chị em cần đến ngay các cơ sở y tế để sẵn sàng chào đón thiên thần bé nhỏ của mình:
- Sa bụng, bụng bầu tụt: Lúc này thai nhi đã di chuyển vào vùng khung chậu. Hiện tượng này sẽ xảy ra trước một vài tuần hoặc một vài giờ trước sinh.
- Các cơn co thắt chuyển dạ: Xuất hiện các cơn co thắt mạnh, đau, không thuyên giảm dù thay đổi tư thế. Tần suất diễn ra liên tục và đều đặn từ 5 – 7 phút/lần.
- Thay đổi dịch nhầy cổ tử cung: Âm đạo tiết ra nhiều dịch nhầy, nhớt là hiện tượng bong nút nhầy cổ tử cung. Dấu hiệu này có thể đến trước một vài ngày hoặc vài tuần trước sinh.
- Vỡ nước ối: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chị em đã sẵn sàng lâm bồn. Tùy cơ địa mỗi người mà lượng nước ối có thể chảy ra nhiều hay ít, chảy từng giọt hay thành dòng.
Như vậy, việc tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều sẽ chẳng còn là vấn đề khó khăn nếu như chị em áp dụng một số mẹo đơn giản đã chia sẻ ở trên. Chúc chị em có một thai kỳ khỏe mạnh và “mẹ tròn con vuông”!
>> Bài viết liên quan: ;Kinh nguyệt không đều làm sao biết có thai?
Nếu muốn tính ngày dự sinh chuẩn xác nhất khi kinh nguyệt không đều - Hãy gọi tới tổng đài 1900.1259 – 0243.993.0899 hoặc gửi câu hỏi về hòm thư điện tử khoedep@bacsituvan.vn để được chuyên gia giải đáp trực tiếp các thắc mắc về trường hợp này nhé,
Có 0 bình luận: