Theo đề xuất lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế, các vaccine phòng các bệnh tiêu chảy do virus Rota, bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm… sẽ lần lượt được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Theo Nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 ban hành ngày 15/8, Chính phủ đồng ý với lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế.
Cụ thể, đưa vaccine phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030. Phạm vi và số đối tượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế.
Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.
Chính phủ cũng đồng ý cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài Tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 - 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.
Cũng theo nghị quyết này, ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí mua vaccine theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương.
Ngoài ra, nguồn kinh phí còn gồm nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện lộ trình này. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí để mua vaccine theo lộ trình tăng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể sử dụng ngân sách địa phương để mua các loại vaccine đã được cấp phép bổ sung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 - 2030 và tổ chức triển khai tiêm chủng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương phối hợp với Bộ Y tế hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm đúng quy định.
Theo Bộ Y tế hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
Ung thư cổ tử cung là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt phụ nữ ở độ tuổi từ 15 – 44, tỷ lệ tử vong vì ung thư cổ tử cung cao thứ 5 so với các loại ung thư khác.
Nguồn: suckhoedoisong.vn.
Có 0 bình luận: