Thế giới dược Vinh Gia
THƯƠNG HIỆU UY TÍN

Những nhầm tưởng về phản vệ sau tiêm vaccine COVID-19

ID: 2539   Ngày đăng:
Lượt đọc: 200

Thời gian gần đây, khá nhiều ca nhập viện do phản vệ nặng tại các cơ sở y tế, nhưng lại bị nhầm tưởng là sốc phản vệ sau tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên nhiều trường hợp lại do các nguyên nhân khác, ví dụ như việc sử dụng thuốc sau tiêm ngừa, phát hiện bệnh nền khi tiêm vaccine COVID-19...

Mục lục [ Hiện ]

1. Các phản ứng sau tiêm nhưng không phải do vaccine COVID-19

Sốt là phản ứng thường gặp sau tiêm, với bất kỳ vaccine nào cũng có thể gặp phản ứng này.

Với vaccine phòng COVID-19 vaxzevria (Astra Zeneca) được ghi nhận khoảng 40% bệnh nhân có sốt sau tiêm, trong đó 7,6% sốt trên 38°C. 

Đây không phải là phản ứng nguy hiểm, nhưng nếu sốt trên 38,5°C thì cần sử dụng thuốc hạ sốt để kiểm soát nhiệt độ cơ thể, tránh các biến chứng của việc tăng thân nhiệt quá mức và để người bệnh dễ chịu hơn.

Tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp quan trọng nhất trong phòng dịch.

Tuy nhiên, khá nhiều bệnh nhân sau tiêm thấy bị sốt, mệt... tự ra hiệu mua thuốc về uống. Sau uống mẩn đỏ toàn thân, phù mắt, thở rít, tím tái... (đây là những biểu hiện có thể gặp sau khi dùng thuốc). Nếu không chẩn đoán và xử trí đúng thì dễ lầm tưởng nguyên nhân tại phản ứng là do vaccine. 

Ngoài phản vệ, còn rất nhiều nhóm bệnh khác phải nhập viện sau tiêm vaccine COVID-19, nhưng thực ra chẳng hề liên quan đến vaccine, ví dụ:

1. Mất kiểm soát huyết áp

Nhiều trường hợp đã biết mình mắc bệnh tăng huyết áp, nhưng do quá lo lắng mà huyết áp tăng cao cả trước, trong, sau khi được tiêm ngừa.

Một số trường hợp khác, khi khám sàng lọc trước tiêm, đo huyết áp rất cao mới biết mình bị tăng huyết áp, bởi trước đó chưa bao giờ đo huyết áp nên không phát hiện ra mình bị mắc bệnh.

2. Rối loạn nhịp tim

Nhiều trường hợp nhịp tim tăng cao trên 100 chu kỳ/phút cả trước, trong, sau tiêm chủng. Nhưng hầu hết các trường hợp là do bệnh sẵn có nhưng không được phát hiện, không được điều trị. Nhưng trường hợp nhịp tim tăng do tâm lý thì sẽ dần dần tự ổn định.

3. Rối loạn glucose máu/đái tháo đường

Trường hợp này thường gặp do dùng các loại thuốc điều trị triệu chứng gây tăng glucose máu: Các thuốc giảm đau chống viêm (NSAID) hoặc các loại corticoid mà rất nhiều hiệu thuốc bán không cần đơn của bác sĩ.

4. Rối loạn ý thức, co giật do hội chứng cai rượu

Tình trạng này gặp ở những người nghiện rượu hoặc có thói quen sử dụng rượu (đặc biệt ở nông thôn). Đây là bệnh nhân được dặn phải nghỉ uống rượu 3 hôm trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, khi ngừng uống rượu đến ngày thứ 3 thì tay chân bệnh nhân bắt đầu run rẩy do hội chứng cai rượu. Tiêm xong vaccine, người bệnh về nằm co quắp trên giường, gọi hỏi không thưa, thậm chí sùi bọt mép co giật từng cơn. Người nhà đưa vào bệnh viện và lầm tưởng do phản vệ với vaccine COVID-19.

5. Đột quỵ

Lấy số liệu năm 2020 là thời điểm Việt Nam chưa tiêm vaccine COVID-19: Chỉ một tháng cuối năm 2020 (từ ngày 9/11 đến 15/12/2020), Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi.

Cả nước một năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ phải nằm viện, hay cứ 6 người thì có 1 người có nguy cơ đột quỵ...

Mùa đông cũng là mùa đột quỵ.

Do đó, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do đột quỵ ở thời điểm này dù có tăng cao, nhưng nguyên nhân không phải là do tiêm vaccine COVID-19.

Để tránh đột quỵ (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...), chúng ta phải đi khám sức khỏe định kỳ. Trong nhà có người trên 50 tuổi phải có máy đo huyết áp cá nhân để thi thoảng tự kiểm tra huyết áp. Đừng đợi đến lúc khám trước tiêm mới phát hiện ra bệnh thì muộn. 

2. Tiêm vaccine COVID-19 không đáng ngại như bạn nghĩ

Cho đến hiện nay, khi dịch COVID-19 đã bùng phát, thậm chí là khó kiểm soát ở nhiều nơi, nhưng một số người vẫn còn e ngại về sự an toàn của vaccine COVID-19.

Khi mắc COVID-19 nặng, bệnh nhân phải dùng rất nhiều loại thuốc và có thể để lại hậu quả lâu dài.

Một số người lo rằng: Do vaccine mới được cấp phép khẩn cấp, chưa qua thời gian kiểm chứng... Nhưng, chúng ta cần phải hiểu rằng, khi đã được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ cấp phép, dù là cấp phép khẩn cấp, thì vaccine đó đã đạt về độ an toàn và hiệu quả.

Một số lại lo ngại về việc vaccine gây biến đổi vật chất di truyền của cơ thể. Tuy nhiên, các vật liệu của vaccine sẽ nhanh chóng được hàng rào miễn dịch (tế bào, dịch thể, thực bào... cơ chế miễn dịch tự nhiên) và hệ thống bài tiết của cơ thể nhanh chóng đào thải ra ngoài.

Bộ gen của con người hoàn toàn không thể dễ bị biến đổi. Bởi nếu bộ gen có thể dễ biến đổi thì con người chỉ sống được vài năm, do đột biến, tế bào bất thường... luôn luôn được sinh ra trong quá trình tăng trưởng và phát triển, nhưng nó thường nhanh chóng được hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt để chúng ta duy trì được cơ thể khỏe mạnh.

Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn trước tác dụng của vaccine quá ngắn; sau khi đã tiêm đủ vaccine mà vẫn nhiễm COVID-19; vẫn có ca tử vong do COVID-19 sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Về vấn đề này, chúng ta cần biết rằng: Cơ chế tác động của vaccine COVID-19 chỉ ngăn ngừa virus xâm nhập tế bào và gây bệnh, chứ nó không phải lá chắn thần kỳ ngăn chặn được virus bám vào cơ thể hoặc xâm nhập vùng mũi họng.

Đã tiêm vaccine, dù virus vẫn tồn tại ở mũi họng (qua xét nghiệm vẫn dương tính), nhưng nó không vào được tế bào (hoặc vào ít), không gây bệnh được (hoặc có nhưng nhẹ). Khi không vào được tế bào, virus không nhân lên được, do đó và nhanh chóng bị "xóa sổ". Đó là cách vaccine có thể bảo vệ hàng tỉ người trên thế giới này, trong đó có chúng ta. Vì vậy, việc tiêm ngừa vaccine COVID-19 không đáng sợ như một số người vẫn đang lo lắng.

Đánh giá từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2021 với 182 triệu liều vaccine tại Mỹ cho thấy vaccine không làm gia tăng nguy cơ tử vong trên bất cứ nhóm nào.

Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh nền là cực kỳ quan trọng, nó giảm thiểu rủi ro cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm.

Nguồn: suckhoedoisong.vn.
 

  • TAGS
Tổng quan
0
Viết bình luận

Có 0 bình luận:

  1. Tin tức
  2. Tin y-tế