Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt TW cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.
Đã ghi nhận một số ca biến chứng do đau mắt đỏ
TS. BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt TW cho biết, nếu như các năm trước, khi mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.
BS Hoàng Cương cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Mắt TW, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng điển hình là đỏ mắt.
Virus gây bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây mạnh nhất khi xuất hiện các triệu chứng toàn phát ở thời điểm mắc, từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, nhưng 3 ngày đầu mới mắc (trong giai đoạn ủ bệnh) và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian nguy cơ làm lây lan sang người khác khoảng 2 tuần.
Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adenovirus gây ra. Bệnh có biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, thường kèm theo đau họng. "Nên chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc do vi khuẩn chlamydia, các chủng virus khác và cả các viêm kết mạc do dị ứng"- TS.BS Hoàng Cương nói.
Dạng viêm nhiễm nặng nhất do adenovirus. Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Sau khi một mắt bị bệnh, mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4 - 5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus.
Virus rất dễ lây lan và không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Sự lây truyền thường xảy ra ở những quần thể nhỏ, có sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân.
"Sau thời gian ủ bệnh khoảng 8 ngày, mắt trở nên đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Các dấu hiệu khác có thể thấy như sưng đau hạch trước tai, kết mạc sụn mi có hột nổi lên. Hai biểu hiện này gợi ý cao độ bệnh nhân bị viêm kết mạc do adenovirus"- TS.BS Hoàng Cương cho hay.
Thời gian miễn dịch với virus đau mắt đỏ sau mắc bệnh kéo dài trong 2 tháng nên đã mắc bệnh cũng có thể tái mắc trong một vụ dịch.
Có nên ngủ chung với người bị đau mắt đỏ?
Trước ý kiến cho rằng với những trường hợp đau mắt đỏ có giả mạc thì không nên bóc, tuy nhiên PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho rằng việc bóc giả mạc là cần thiết, vì giúp cho tổn thương mau hồi phục. Bản thân giả mạc cũng gây cọ sát, gây xước giác mạc tăng nguy cơ viêm loét giác mạc.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ đỏ mắt, cần được đưa đi khám, nhất là tại những vùng dịch để không bị nhầm lẫn, vì có nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt, không chỉ có viêm kết mạc cấp. Trẻ mắc bệnh nên nghỉ học, vì đến lớp rất dễ nguy cơ lây nhiễm cho các bạn.
Dấu hiệu nặng đối với đau mắt đỏ là: mắt sưng, chảy nước mắt có dịch hồng… Sau dùng thuốc 2, 3 ngày không đỡ, vẫn đỏ sưng thì cần được bác sĩ thăm, khám lại.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, PGS.TS Phạm Ngọc Đông lưu ý đau mắt đỏ dễ lây qua tiếp xúc, lây qua đường tay - mắt: Tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh, rồi tay chạm vào các vật dụng khác làm vương vãi mầm bệnh... Do đó, khi bị đau mắt đỏ nên cách ly tương đối và tránh ngủ chung với người bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ dễ dàng lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp nên có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần. Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý người bị đau mắt đỏ không đi bơi, hạn chế đến các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị... để tránh lây bệnh cho người khác.
Liên quan đến kết quả nghiên cứu của phòng xét nghiệm ở TP HCM vừa công bố về chủng enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ, đại diện Bệnh viện Mắt TW cho rằng về cơ bản, 2 virus tìm thấy không có gì bất thường và bản thân các virus này cũng là lành tính, hiện chưa quá lo ngại về độc lực.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn.
Có 0 bình luận: