Các chuyên gia cho rằng, khám sức khỏe trước khi kết hôn là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn ở Hà Nội trên 53%
Từ năm 2021, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)- nay là Cục Dân số đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ các cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các tỉnh, thành phố. Năm 2023, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% so với năm 2022.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%. Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).
Để có được kết quả trên, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tư vấn tại cộng đồng, tư vấn tại các tụ điểm, các trường học, câu lạc bộ…; giới thiệu các cặp nam, nữ đến các cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện theo quy định thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có các bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc khi mang thai và trước khi sinh.
Các chuyên gia cho rằng, khám sức khỏe trước khi kết hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Chuyên gia y tế nói gì về sự cần thiết khám sức khỏe trước khi kết hôn?
Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai đặc biệt là bệnh di truyền, bệnh tim. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm tương lai cũng như thế hệ sau", ông nói.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cũng cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp đến khi đi sinh người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Khi vào sinh bị suy tim cấp, khiến bác sĩ rất đau xót phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Những vấn đề này, hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014, không quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Nhưng kết hôn với người nước ngoài thì có yêu cầu khám và khám rất kỹ. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Tri Thức đề nghị nên quy định bắt buộc định khám tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn.
Trao đổi về nội dung này, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết tại bệnh viện hằng năm tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi mắc các dị tật bẩm sinh như hở van tim, suy tim, suy thận, các bệnh di truyền về máu… Chưa kể các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, di tật bẩm sinh đang có xu hướng ngày càng tăng lên.
"Do đó, việc khám tiền hôn nhân hiện nay rất cần thiết nhằm xem xét người cha, người mẹ tương lai có bệnh lý gì không để tránh cho thế hệ sau"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.
PGS.TS Trần Danh Cường - Chủ nhiệm bộ môn Sản, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết khám tiền hôn nhân chắc chắn là cần thiết, đặc biệt là những bệnh lý như máu khó đông - hemophilia, tan máu bẩm sinh thalassemia.
Tuy nhiên, ông Cường cho hay hiện nay việc khám tiền hôn nhân của các cặp đôi thường đến với mục đích sẽ mang thai và sinh con như thế nào? Thai nghén chăm sóc ra sao?
"Họ đến thăm khám tiền hôn nhân một cách đơn sơ, quan tâm đến việc mình sẽ sinh con thế nào chứ không phải để phát hiện có mang bệnh hay mang gene bệnh hay không. Chính các cặp đôi chưa có ý thức được việc khám tiền hôn nhân để xem xét tình trạng sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó, việc quyết định như thế nào sau khi phát hiện cặp đôi đó mang gene bệnh có thể di truyền là điều rất khó khăn. Và nếu họ quyết tâm lấy nhau, sinh con thì phải làm thế nào để quản lý?" - ông Cường bày tỏ.
Cũng về nội dung này, tại Hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Cục Dân số (Bộ Y tế) và Hội sản phụ khoa Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, ThS.BS Mai Trung Sơn, Cục Dân số cho hay, trong định hướng về chính sách dân số ở nước ta tại Nghị quyết 21- NQ/TW đưa ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tuổi kết hôn của nam là 20, nữ 18 và không bị mất năng lực hành vi dân sự. Nam, nữ kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý hiện nay đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Dù vậy, từ nhiều năm qua, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau.
Theo đó, cả nam, nữ nên khám sức khỏe trước khi kết hôn tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn. Khám sức khỏe tiền hôn nhân, bao gồm khám lâm sàng tổng quát (khám nội tổng quát và chuyên khoa phụ sản); xét nghiệm (nhóm máu, bệnh lý về máu, chức năng gan thận, viêm gan vi rút, các bệnh lây qua đường tình dục); siêu âm ổ bụng...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn.
Có 0 bình luận: