Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra hướng dẫn "5 bước theo dõi bệnh nhân COVID-19 tại nhà", trong đó có hướng dẫn đối với cộng đồng, người nhà và bản thân người bệnh.
Bước 1:
Đối với cộng đồng - Nhận biết các triệu chứng của COVID-19
Nếu bạn có những triệu chứng điển hình của COVID-19 như Sốt - Ho - Đau họng - Mất vị giác, khứu giác - Đau cơ - Đau đầu, hãy gọi điện cho nhân viên y tế để được tư vấn và xét nghiệm.
Các triệu chứng nặng của COVID-19 bao gồm: khó thở, không thể ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau ngực, hoa mắt, chóng mặt lờ đờ. Nếu bạn hoặc bất cứ người nào bạn quen biết có các triệu chứng nặng của COVID-19 nêu trên, hãy gọi điện ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Bước 2:
Đối với người bệnh - Tự chăm sóc bản thân
Người bệnh COVID-19 cần nghỉ ngơi trong phòng riêng, thông thoáng khí (nếu có thể), hoặc đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với người khác.
Nếu mắc COVID-19, bạn cần uống nhiều nước để cơ thể không mất nước, đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Cần nhớ, luôn đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác.
Người mắc COVID-19 dùng paracetamol khi bị sốt, đau mỏi cơ, đau đầu. Bạn hãy tư vấn với nhân viên y tế về liều lượng và khoảng cách giữa các liều. Đồng thời, có thể chườm mát, lau người bằng nước ấm để hạ sốt.
Người bệnh COVID-19 khi tự chăm sóc sức khỏe bản thân tại nhà cần lưu ý:
- Theo dõi nồng độ oxy theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của nhân viên ngoại trừ paracetamol dùng khi bị sốt/đau mỏi cơ/đau đầu.
- Nếu bạn thấy khó thở, không thể ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau ngực, hoặc hoa mắt, chóng mặt, lờ đờ, hãy gọi ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Bước 3:
Đối với người bệnh COVID-19 và người nhà: Bảo vệ những người sống cùng
Để bảo vệ người thân khi F0 điều trị tại nhà, luôn giữ khoảng cách với người khác, ở trong phòng riêng (nếu có thể), thông thoáng khí. Nếu không có phòng riêng, F0 hãy giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người khác sống trong nhà.
F0 và tất cả mọi người trong nhà cần luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhau. Sử dụng riêng các đồ dùng ăn uống, sinh hoạt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay khô.
Bước 4: Dùng máy đo nồng độ oxy đối với F0 điều trị tại nhà
Nếu F0 được bác sỹ khuyên dùng máy đo nồng độ oxy (SpO2), hãy đảm bảo bạn biết sử dụng máy đo đúng cách. Nếu không biết cách sử dụng, hãy hỏi nhân viên y tế để được hướng dẫn.
Hãy dùng máy để kiểm tra nồng độ oxy 3 lần/ngày, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bước 5: Theo dõi nồng độ oxy rất quan trọng đối với F0
Nồng độ oxy (SpO2) rất quan trọng. Hướng dẫn chung đối với theo dõi nồng độ oxy của người mắc COVID-19 tại nhà:
- Bất kể nồng độ oxy của bạn là bao nhiêu, nếu bạn thấy khó thở, không thể ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau tức ngực, hoặc bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, hãy gọi ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
- Nếu nồng độ oxy trên 94%, hãy tiếp tục theo dõi nồng độ oxy của bạn.
Nhân viên y tế có thể hướng dẫn chi tiết riêng, tùy theo tình trạng của F0.
Nếu nồng độ oxy ≤ 94%, hãy gọi ngay cho nhân viên y tế hoặc tìm kiếm chăm sóc y tế, dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Thay đổi các tư thế nằm trên giường: nằm sấp, nằm nghiêng, và ngồi thẳng lưng, mỗi lần khoảng 2 giờ.
Nguồn suckhoedoisong.vn.
Có 0 bình luận: