Thế giới dược Vinh Gia
THƯƠNG HIỆU UY TÍN

Sau hơn 10 năm, bệnh ho gà xuất hiện trở lại ở Thừa Thiên Huế

ID: 2869   Ngày đăng:
Lượt đọc: 97

Sau hơn 10 năm, bệnh ho gà xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với 5 ca nghi ngờ, trong đó có 2 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn ho gà.

Mục lục [ Hiện ]

Ngày 9/7, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau hơn 10 năm, bệnh ho gà xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong 5 trường hợp nghi ngờ đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, có 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn ho gà ở TP Huế và thị xã Hương Thuỷ. Hai trường hợp này là trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm chưa tạo được miễn dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, sau khi ghi nhận các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, ngành y tế phối hợp với các địa phương có ca bệnh tổ chức điều tra , lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm khẳng định. Tổ chức truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh.

Ngành y tế đang tiếp tục theo dõi, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh để có các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Ngành y tế Thừa Thiên Huế tăng cường công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, chuyển tuyến khi có yêu cầu, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Duy trì công tác tiêm chủng, rà soát các trường hợp chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi để tổ chức tiêm bù, tiêm vét theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn ho gà gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, diễn biến nặng, dễ tử vong do bội nhiễm, gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, nhất là ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh ho gà, trẻ suy dinh dưỡng.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Khả năng lây nhiễm cao ở những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như hộ gia đình, trường học…

Biểu hiện của ho gà khởi đầu có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, đau họng, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn và ho. Đặc điểm cơn ho gà là trẻ ho rũ rượi, liên tục không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Sở Y tế Thừa Thiên Huế khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng, chống bệnh ho gà là đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Giữ nơi ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Đặc biệt, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà phải cho trẻ nghỉ họ, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Theo nhận định, tỷ lệ mắc ho gà có xu hướng tăng nhanh, đa phần tập trung ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

Nguyên nhân chủ yếu là do việc gián đoạn trong cung ứng các vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trên toàn quốc. Nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine, trong đó có ho gà.

Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận người dân cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Theo: suckhoedoisong.vn

  • TAGS
Tổng quan
0
Viết bình luận

Có 0 bình luận:

  1. Tin tức