Đau bụng dưới bên trái khi mang thai là một trong những tình trạng thường gặp nhưng lại ít để tâm đến ở các chị em. Hãy thận trọng! Bởi đây cũng là dấu hiệu tiềm ẩn của một số căn bệnh nguy hiểm.
1. Nguyên nhân bà bầu bị đau bụng dưới bên trái khi mang thai
Phôi thai bám vào tử cung
Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến các bà bầu bị đau bụng dưới bên trái. Sau khi trứng được thụ tinh, phôi thai sẽ tìm cách bám vào thành tử cung để làm tổ. Trong lúc này các bà bầu sẽ cảm thấy phần bụng dưới của mình bị căng, tức, đau. Thậm chí sẽ có những trường hợp xuất hiện một vài giọt máu. Máu này còn gọi là máu bào thai.
Thay đổi hormone khi có thai
Trong giai đoạn thai kỳ, cơ thể người mẹ có khá nhiều sự thay đổi do sự “xáo trộn” của một số hormone như: HCG, Estrogen, Progesterone, Relaxin, Oxytocin, Prolactin. Trong đó, Relaxin với tác dụng làm giãn dây chằng vùng chậu nên có thể khiến phụ nữ mang thai bị đau lưng, đau khớp, giãn dây chằng. Từ đó, dây chằng ở đùi, bẹn, đầu gối hay khuỷu tay sẽ bị yếu hơn. Chính điều này khiến bà bầu đau bụng dưới bên trái, cảm giác căng tức. Hoặc khi bạn di chuyển nhiều, xách đồ nặng tạo áp lực cho phần bụng dưới cũng sẽ bị đau ở đây.
Cơn gò chuyển dạ giả Braxton Hicks
Thông thường hiện tượng này xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ. Chúng đến bất chợt và chỉ kéo dài từ 30 giây tới 1 phút, nhưng khiến các cơ bắp của tử cung thắt chặt và gây ra các cơn đau bụng dưới bên trái khi mang thai. Braxton Hicks được xem như một bước “luyện tập” của tử cung báo hiệu cơ thể mẹ bầu đang bắt đầu quá trình chuyển dạ.
2. Nguy cơ tiềm ẩn khi bà bầu bị đau bụng dưới bên trái
Trên thực tế, hiện tượng đau bụng dưới bên trái khi có thai là tình trạng bình thường và thường thấy ở các mẹ bầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chúng cũng là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề nguy hiểm khác. Vì vậy, mẹ bầu cũng cần để ý xem có triệu chứng bất thường xuất hiện không. Một số nguy cơ tiềm ẩn khi bị đau bụng dưới bên trái ở phụ nữ mang thai đó là:
Mang thai ngoài tử cung
Đây là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà nằm ở một số vị trí phổ biến như: vòi tử cung, buồng trứng…
Mang thai ngoài tử cung sẽ dẫn tới tình trạng túi thai bị vỡ, chảy máu vào ổ bụng. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ bầu. Nếu bạn gặp phải trường hợp đau bụng dưới bên trái, âm đạo chảy máu bất thường, rất có thể bạn đã bị mang thai ngoài tử cung.
Bong nhau thai
Bong nhau thai là hiện tượng nhau thai bị tách ra khỏi thành bên trong của tử cung trước khi em bé chào đời. Nhau thai chính là sợi dây liên kết giữa mẹ và con, giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng tới thai nhi.
Bởi vậy, khi sợi dây này bị “đứt”, thai nhi sẽ không nhận được oxy cũng như các chất dinh dưỡng từ mẹ. Đồng thời thai phụ cũng có thể bị mất máu nặng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sảy thai rất nguy hiểm. Triệu chứng nhận biết hiện tượng này là đau bụng dưới dữ dội, dai dẳng, chảy máu âm đạo, đau lưng…
Cảnh báo sảy thai
Sảy thai là tình trạng mất thai trước tuần thứ 23 của thai kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sảy thai như: bong nhau thai, mất cân bằng hormone, rối loạn miễn dịch, mẹ bầu bị bệnh truyền nhiễm, hở eo cổ tử cung,…
Và tình trạng mang thai đau bụng dưới bên trái chính là một trong những dấu hiệu để nhận biết hiện tượng này. Mẹ bầu có thể bị đau co thắt tử cung với tần suất từ 5-20 phút/lần, khó thở, chảy máu âm đạo. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu khác đó là: mất các triệu chứng mang thai như ngực không còn căng tức, hết buồn nôn,…; chuột rút kèm chảy máu, dịch nhờn ở âm đạo nhiều,…
U nang buồng trứng
U nang thực chất là các “bọc” chứa dịch do hoàng thể tiết ra để nuôi dưỡng và hỗ trợ niêm mạc tử cung phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho phôi thai làm tổ và lớn dần. Đến khi thai nhi được 10-12 tuần tuổi, chúng sẽ teo nhỏ lại và biến mất.
Tuy nhiên, có trường hợp chúng tồn tại tới hết giai đoạn thai kỳ và gây nguy hiểm nếu bị vỡ hoặc xoắn vào nhau. Từ đó khiến mẹ bầu đau bụng dưới bên trái, đau vùng chậu, đi tiểu liên tục,...
Nhiễm trùng đường tiểu
Khi có thai đau bụng dưới bên trái cũng là dấu hiệu để bạn nhận biết tình trạng nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh lý này xảy ra do đường tiết niệu có vi khuẩn. Bên cạnh đau bụng dưới bên trái, bà bầu còn cảm thấy khó chịu, ngứa vùng kín, bị rát khi đi tiểu, hay nước tiểu đổi màu,…
Tiền sản giật
Tiền sản giật thường xuất hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Tiền sản giật sẽ gây nên một số triệu chứng như: tăng huyết áp, phù, dư lượng protein trong nước tiểu.
Phụ nữ mang thai nếu bị tiền sản giật sẽ có những biểu hiện cụ thể như: đau bụng dưới bên trái liên tục, buồn nôn. Bệnh lý này cực kỳ nguy hiểm tới cả mẹ và bé, thậm chí có thể gây tử vong.
Một số yếu tố khiến phụ nữ mang thai dễ bị tiền sản giật đó là: sinh con khi trên 35 tuổi hoặc dưới 18 tuổi, mẹ hút thuốc lá, đa thai đa ối, chửa trứng, phụ nữ mang thai bị tiểu đường hay tăng huyết áp hoặc béo phì, có tiền sử tiền sản giật.
3. Cách khắc phục tình trạng đau bụng dưới bên trái khi mang thai
Trong quá trình mang thai, nếu bị đau bụng dưới bên trái, các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để khắc phục tình trạng này như:
- Khi nằm hoặc ngồi, bà bầu nên chọn cho mình tư thế thoải mái nhất. Một số tư thế an toàn, thoải mái cho mẹ bầu đó là: ngồi nửa nằm, kê cao chân hoặc đặt gối ở phía sau lưng,… Bạn cũng có thể sử dụng những chiếc gối dành riêng cho bà bầu giúp không bị mỏi người, hạn chế đau bụng và có một giấc ngủ ngon.
- Đứng lên hoặc ngồi xuống một cách từ từ để không phải chịu tác động đột ngột. Việc thay đổi tư thế quá nhanh cũng sẽ khiến cơ thể chưa kịp phản ứng lại, có thể dẫn tới tình trạng chóng mặt, choáng.
- Hạn chế vận động mạnh như leo cầu thang, mang vác vật nặng… Nếu mẹ bầu xách đồ từ 5-6 kg có thể dễ bị co thắt tử cung, tăng nguy cơ bị vỡ ối sớm. Thêm nữa, khi bầu bụng sẽ to, việc mang vác vật nặng sẽ khó khăn hơn, dễ bị tai nạn. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối của thai kỳ, các mẹ cần đặc biệt lưu ý điểm này để không gây ảnh hưởng tới trẻ.
- Thực hiện các bài tập nghiêng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tập luyện thể dục vừa giúp mẹ bầu nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai, vừa làm giảm căng thẳng hay những cơn đau thắt ở bụng. Mẹ bầu có thể tập khoảng 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh một số động tác quá khó hoặc vặn mình nhiều vì có thể làm bong nhau thai, tránh những động tác gây áp lực lên phần bụng.
- Ngâm, tắm nước ấm để thư giãn, giữ cho tinh thần thoải mái. Tuy nhiên cần điều chỉnh độ ấm của nước, tránh để nước quá nóng.
- Khám thai theo lịch của bác sĩ để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, việc kiểm tra định kỳ cũng giúp mẹ có thể kịp thời phát hiện ra những bất thường của thai để xử lý kịp thời.
Trên đây là tổng hợp những thông tin các mẹ cần biết về tình trạng mang thai đau bụng dưới bên trái. Hy vọng bài viết đã đem tới cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúc các mẹ sẽ có phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất với mình để đảm bảo bản thân cũng như thai nhi luôn khỏe mạnh.
>> Bài đọc thêm:Đau bụng dưới bên trái sau khi hút thai có nguy hiểm không?
Hãy gọi tới tổng đài 1900.1259 – 0896.509.509 hoặc gửi câu hỏi về hòm thư điện tử khoedep@bacsituvan.vn để được chuyên gia giải đáp trực tiếp những thắc mắc về chứng đau bụng dưới bên trái khi mang thai.
Có 0 bình luận: