Lý giải từ chuyên gia về tình trạng kết quả xét nghiệm COVID-19 “lúc âm, lúc dương” được nhiều người quan tâm.
Chia sẻ cùng phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, chị N.T.V.A (ở Phú Nhuận, TP.HCM) là trường hợp F0 đã được cách ly, điều trị tại nhà cho biết: Trong thời gian điều trị COVID-19 tại nhà chị thường xuyên tự thực hiện test nhanh, có trường hợp buổi sáng cho kết quả âm tính nhưng buổi chiều khi test lại thì lại cho kết quả dương tính. Hoặc kết quả test nhanh âm nhưng PCR lại dương.
Giải đáp cho trường hợp chị V.A cũng như nhiều trường hợp thắc mắc khác về những nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên trên cùng một người "lúc âm, lúc dương", TS. BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ, một người thực hiện xét nghiệm hai lần ở hai thời điểm khác nhau cho kết quả không đồng nhất có thể do ảnh hưởng một hay nhiều yếu tố.
Các yếu tố này bao gồm: vị trí lấy mẫu, điều kiện bảo quản mẫu bệnh phẩm, thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu, người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng và nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm ảnh hưởng đến độ nhạy (khả năng cho kết quả dương tính trong số những người mắc bệnh) của xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19.
Đơn cử đối với yếu tố vị trí lấy mẫu, khi đưa que lấu mẫu vô trùng vào thẳng phía sau một bên mũi (không hướng lên trên), dọc theo sàn mũi tới khoang mũi hầu sẽ có khả năng phát hiện tác nhân gây bệnh cao hơn các vị trí khác.
Yếu tố thời gian từ lúc khởi phát đến khi lấy mẫu có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm. Theo kết quả nghiên cứu, thời gian này dưới hoặc bằng 7 ngày thì độ nhạy là 86,2% (81,8-89,7) trong khi trên 7 ngày là 70,8% (60,7-79,2). Ngoài ra, nếu vào thời điểm lấy mẫu người bệnh có triệu chứng thì khả năng test dương tính cũng cao hơn so với không triệu chứng (80,1% vs 54,8%).
Nồng độ virus trong bệnh phẩm cũng là yếu tố quyết định khả năng dương tính của xét nghiệm. Cụ thể nếu CT ≤ 25 thì độ nhạy là 96,4% (94,3-97,7) trong khi CT ≤ 30 độ nhạy là 89,5% (85,3-92,5). Tuy nhiên, nếu CT>30 thì độ nhạy giảm còn 18,7% (12,9-26,3).
Ngoài các yếu tố trên, nếu khoảng cách giữa hai lần lấy mẫu gần nhau và cùng lấy một vị trí (một bên mũi) thì khả năng xét nghiệm dương tính cũng giảm do lượng mẫu bệnh phẩm lần 2 đã giảm.
Liên quan vấn đề kết quả xét nghiệm "lúc dương, lúc âm", BS. Trương Hữu Khanh cũng từng chia sẻ: "Có nhiều trường hợp test nhanh thì dương nhưng mua loại test khác lại thấy âm, xét nghiệm PCR cũng cho kết quả âm tính. Khi đó việc khẳng định test đầu tiên cho kết quả sai là không chính xác vì đầu tăm bông lấy mẫu lần sau không có virus chứ không chắc lần 1 sai. Ngay cả xét nghiệm PCR cũng có khi nơi này dương, nơi khác âm (nhất là dương với CT cao) vì đầu tăm bông của que quẹt lấy 2 lần khác nhau".
Trong làn sóng dịch COVID-19, xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm RT-PCR đã không còn là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhiều địa phương đã triển khai hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm test nhanh tại nhà, nhiều trường hợp người dân tự đến các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm để tự thực hiện xét nghiệm… Có nhiều nguyên nhân có thể khiến kết quả xét nghiệm COVID-19 "lúc âm, lúc dương" điều này có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực nhất là tâm lý hoang mang ở người bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù kết quả xét nghiệm là âm hay dương cũng cần lắng nghe cơ thể, lắng nghe sức khỏe của bản thân, cần tiêm vaccine phòng COVID-19, tuân thủ thực hiện 5K kể cả kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính để bảo vệ những người xung quanh.
Nguồn: suckhoedoisong.vn.
Có 0 bình luận: