Thông thường, bệnh nhân sốt xuất huyết rơi vào tình trạng sốc ở ngày thứ 5-7, tuy nhiên vụ dịch năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh đi vào sốc sớm ở ngày thứ 3-5. Vì sao lại như vậy?
BS. Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý một tình trạng báo động, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng rất nhanh, có người sốt 3 ngày đã rơi vào sốc - khác biệt với những mùa dịch trước, trong số đó có nhiều người trẻ tuổi.
"So với đợt dịch năm 2017, số bệnh nhân sốt xuất huyết đã ghi nhận vẫn thấp hơn đợt bùng dịch cách đây 5 năm. Tuy nhiên theo quan sát thì có vẻ như năm nay tỉ lệ bệnh nhân nặng lại cao hơn dù chưa kết thúc đợt dịch và số ca tử vong cũng gia tăng hơn" - BS. Phúc nói.
Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính, diễn biến nặng rất nhanh chóng. Từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ vài tiếng. Do vậy, tình trạng bệnh nhân khi chuyển lên tuyến trên phụ thuộc vào việc xử lý ban đầu có kịp thời hay không.
Nếu xử lý ban đầu không tốt, bệnh nhân đến đã trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng, điều trị cực kỳ khó khăn, thậm chí tử vong.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong trong vụ dịch năm nay, BS. Phúc cho hay, một phần do tâm lý chủ quan của bệnh nhân, tự điều trị tại nhà mà không có thăm khám của bác sĩ.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch chồng dịch khiến bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, các triệu chứng chồng chéo dẫn đến chẩn đoán nhầm nên không điều trị đúng, kịp thời.
Một số vấn đề khác cũng được đặt ra đó là độc lực của type virus Dengue bị thay đổi theo thời gian dài của dịch bệnh hay sự thay đổi hệ miễn dịch của cơ thể sau khi bị COVID-19. Tuy nhiên, chuyên gia hồi sức tích cực cho rằng "để đưa ra kết luận phải cần có các nghiên cứu đánh giá thêm".
Các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như:
- Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt;
- Không ăn uống được;
- Nôn ói nhiều;
- Đau bụng nhiều hơn;
- Tay chân lạnh, ẩm;
- Mệt lả, bứt rứt;
- Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ;
- Có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện...
Việc bệnh nhân tự ý điều trị theo triệu chứng là rất nguy hiểm. Ví dụ có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết thấy mệt nên tự đi truyền dịch. Tuy nhiên, nếu chẳng may bệnh nhân có tình trạng tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng, truyền thêm dịch vào sẽ rất nguy hiểm.
BS. Phạm Văn Phúc - BV Bệnh Nhiệt đới TW
Nguồn: Suckhoedoisong.vn.
Có 0 bình luận: