Thế giới dược Vinh Gia
THƯƠNG HIỆU UY TÍN

Luôn cảm thấy đói, coi chừng bệnh trọng

ID: 2282   Ngày đăng:
Lượt đọc: 507

“Ăn được, ngủ được là tiên”, thành ngữ này không phải bao giờ cũng đúng. Có một số người thường xuyên cảm thấy đói dù mới kết thúc một bữa ăn chưa lâu. Nguyên nhân có thể từ đơn giản tới phức tạp, nhưng dù thế nào thì cũng cần tìm hiểu để sớm hóa giải kẻo “cái sảy nảy cái ung”.

Mục lục [ Hiện ]

Để kiểm soát được điều này, trước tiên phải tìm hiểu rõ nguyên nhân. Câu trả lời có thể là một hoặc nhiều lý do sau đây:

Chuyển hóa nhanh

Một số người đốt cháy nhiều calo hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với người khác. Theo một nghiên cứu, hơn 30% dân số nói chung có sự trao đổi chất nhanh cho phép họ đốt cháy hơn 400 calo mỗi ngày so với người khác. Nếu sự trao đổi chất của bạn nhanh, bạn sẽ có xu hướng cảm thấy đói thường xuyên.

Thực phẩm chế biến

Bạn có thể đang ăn nhiều thực phẩm chế biến hoặc tinh chế như bánh quy, bánh mì trắng khiến cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên trong thời gian ngắn. Những thứ này có thể khiến bạn cảm thấy đói hơn so với trước khi ăn. Nghiên cứu cho thấy thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường can thiệp vào các hóa chất trong não điều chỉnh tâm trạng, dẫn đến trầm cảm, lo lắng và ăn quá nhiều. Các chuyên gia tin rằng đường tinh luyện là nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng sự thèm ăn trong suốt cả ngày.

Vấn đề về nội tiết

Thay đổi nội tiết liên quan đến thời kỳ kinh nguyệt, tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) và bệnh đái tháo đường là những nguyên nhân phổ biến của tình trạng đói liên tục. Khi nồng độ hormon tuyến giáp của bạn quá cao, bạn sẽ đốt cháy calo nhanh hơn. Trong khi đó, tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra cơn đói. Do đó nếu bạn thường xuyên đói và đi kèm theo đó là các dấu hiệu khác như sút cân, mệt mỏi, hay cáu gắt... chứng tỏ sự mất cân bằng nội tiết, bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Mất nước

Đôi khi cơ thể mất nước có thể lừa bộ não rằng nó đang đói. Vì vậy, lần tới khi bạn cảm thấy đói, hãy thử uống một ít nước và đợi trong vài phút để xem cảm giác thực sự của cơ thể.

Mất ngủ

Giấc ngủ kém có thể khiến bạn cảm thấy đói bụng dưới ảnh hưởng của hai hormon ghrelin và leptin. Đầu tiên, mất ngủ làm tăng mức ghrelin của bạn, kích thích sự thèm ăn. Thứ hai, nó làm giảm mức độ leptin của bạn khiến não bộ phát ra tín hiệu rằng bạn chưa no. Nếu bạn luôn bị thiếu ngủ, rất có thể hậu quả là bạn sẽ cảm thấy lúc nào cũng đói.

Căng thẳng dai dẳng

Căng thẳng liên tục khiến cơ thể sản xuất hormon gây căng thẳng được gọi là cortisol và adrenaline có xu hướng làm tăng sự thèm ăn. Mặt khác, căng thẳng cũng làm giảm mức serotonin, điều này có liên quan tới chứng trầm cảm và ăn uống vô độ. Để tránh thèm ăn uống quá mức, hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng.

Rượu

Một nghiên cứu cho thấy uống rượu khiến mọi người tiêu thụ nhiều thực phẩm có lượng calo cao. Rượu cũng làm bạn mất nước, do đó khiến bạn cảm thấy đói, hơn là khát. Bạn có thể bù đắp hiệu ứng này bằng cách uống xen kẽ nước và rượu khi bạn đang ở một bữa tiệc hoặc tụ tập ăn uống.

Bỏ bữa

Một nhược điểm lớn của việc bỏ bữa ăn để giảm cân là nó khiến bạn đói bụng. Khi dạ dày của bạn trống rỗng trong một thời gian dài, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra nhiều hormon ghrelin khiến bạn thèm ăn và ăn nhiều thức ăn hơn. Để tránh điều này, hãy ăn những bữa ăn nhỏ, thường xuyên và tránh bỏ bữa.

Một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể khiến cơ thể cảm thấy lúc nào cũng đói. Chúng bao gồm thuốc chống trầm cảm như paxil và zoloft, corticosteroid như prednison (được sử dụng để điều trị dị ứng, hen suyễn và bệnh viêm ruột). Nếu bạn đang dùng các loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng sự thèm ăn, hãy trao đổi với bác sĩ nếu có thể sử dụng một loại thuốc khác thay thế.

Ký sinh trùng đường ruột

Ký sinh trùng đường ruột như giun khá là phổ biến và các chất dinh dưỡng mà bạn ăn vào có thể chỉ để nuôi... giun mà cơ thể chẳng được hưởng gì cả. Đôi khi, triệu chứng duy nhất là đói liên tục với việc không tăng cân.

Mang thai

Khi mang thai, cơ thể mẹ cần tăng thêm chất để nuôi dưỡng thai nhi. Nếu bạn không chắc chắn mình có thai, hãy làm xét nghiệm thai tại nhà và xem đây có phải là nguyên nhân khiến bạn thèm ăn không.

Rối loạn ăn uống

Đôi khi, đói liên tục có thể là triệu chứng của rối loạn ăn uống như chứng cuồng ăn, liên quan đến việc ăn nhạt hoặc ăn quá nhiều không kiểm soát. Một người mắc chứng cuồng ăn có xu hướng ăn lượng thức ăn lớn hơn trong một khoảng thời gian ngắn (dưới 2 giờ). Điều này thường đi kèm dấu hiệu buồn nôn và nôn.

Tóm lại, thường xuyên thèm ăn, luôn thấy đói chưa chắc đã tốt cho sức khỏe, chưa kể nó sẽ làm cho kế hoạch giữ phom dáng của bạn phá sản. Vì vậy chớ bỏ qua cảm giác này.

Theo suckhoedoisong.vn

  • TAGS
Tổng quan
0
Viết bình luận

Có 0 bình luận:

  1. Tin tức
  2. Tin y-tế